Kinh nghiệm tự ôn thi CPA năm 2019 của mẹ bầu và có con nhỏ

46

 

1, Sự quyết tâm:

Trước khi bắt đầu một hành trình, việc đầu tiên cần làm là hãy tìm cho bản thân một quyết tâm đủ lớn, nếu cái đích đến của bạn không đủ mạnh, thì rất dễ nản lòng và từ bỏ sớm. Nói về trường hợp của mình, mình mang bầu và ngày dự sinh em bé là 13.11.2019, và theo như lịch thi CPA các năm trước thì cũng thi vào tầm đầu tháng 11, nên ban đầu mình rất lưỡng lự là năm 2019 này có nên tham gia đi thi CPA hay không. Vì bản thân rất ngại việc học xong chán chê, đến lúc ngày thi lại vừa sinh thì không thể tham gia thi được, vậy thì hơi phí công ngồi học và cả tiền phí thi nữa. Chưa kể người bình thường đi làm về, tối đến nghĩ đến việc mở sách vở ra để học đã thấy nản rồi, đây bà bầu thì càng nản hơn vì thường bị buồn ngủ hơn, đau lưng, rồi giai đoạn bụng to sẽ khó thở và không ngồi lâu được. Mọi người xung quanh đều khuyên mình là không nên thi, nên nghỉ ngơi và tập trung cho con, hoặc là chỉ thi 1-2 môn dễ lấy điểm trước, rồi năm sau thi tiếp các phần còn lại.

Bỏ ngoài tai những khó khăn đó, mình vẫn quyết định ôn thi nghiêm túc vì lý do đơn giản là mình muốn năm sau khi con ra đời rồi, mình có thể dành 100% buổi tối và cuối tuần để chăm con, chơi với con, không phải ngồi học hay lo lắng chuyện thi cử nữa. Bên cạnh đó, bản thân có nghiên cứu về thai giáo, thì việc mẹ bầu học và tiếp thu cái mới cũng giúp phát triển trí não thai nhi nữa. Bởi vậy mà mình bắt tay vào việc ôn và thi đủ các môn luôn, với mục tiêu là pass hết với số điểm tối thiểu. Rất may mắn là năm 2019 do tháng 11 không sắp xếp được địa điểm thi, nên Bộ tài chính đã chuyển thời gian thi sang tháng 12, vì vậy mình vẫn có thể tham dự thi được. Đi thi lúc mới sinh con xong cũng đầy khó khăn, mới sinh mổ được 2 tuần đã phải dậy ngồi học, đêm chỉ học được 1 tiếng, ngày thì lo chăm em bé và ngủ bù vì mất ngủ. Thật sự nghĩ lại, thời gian đó nếu không quyết tâm đi thi bằng được, thì chắc chắn là mình đã bỏ cuộc giữa chừng rồi.

2, Thiết lập mục tiêu điểm số trước khi ôn thi:

Do phải ôn nhiều môn, nên bạn cần đặt ra mục tiêu điểm cho từng môn thi để phân bổ thời gian học tương ứng. Vì bản thân có khá nhiều kinh nghiệm làm việc liên quan đến kế toán thuế, tuy nhiên môn kế toán lại là môn khó nhất, luật và tài chính gần như mình không có tí kiến thức nào trong đầu, ngày trước học đại học thì cũng quên hết rồi, nên 2 môn này gần như phải bắt đầu từ zero, nên mình đề ra mục tiêu số điểm cần đạt tối thiểu là Thuế 7, Kế toán 6, Tài chính 7, Luật 5 để đủ số điểm qua môn.

3, Lập kế hoạch và phân bổ thời gian học:

Do việc đang mang bầu, và dự đoán những ngày gần thi thì cũng là những ngày gần sinh em bé, nên mình không để thức khuya ảnh hưởng con, hay học dồn vào những thời gian gần thi. Mình bắt đầu ngồi học từ tháng 7, mỗi tối học 1 ít tầm 1 – 1,5 tiếng để đảm bảo sức khỏe mà vẫn ôn thi được. Mình bắt đầu với môn mà mình ít kiến thức nhất là Tài chính, vì môn này nhiều công thức nên học trước để hiểu cách làm, giai đoạn sau thì chỉ cần ôn lại là xong. Do quỹ thời gian rảnh của các mẹ bầu và mẹ bỉm không nhiều, nên mình nghĩ để đảm bảo cả sức khỏe và kiến thức, thì nên giàn thời gian ôn ra, học thong thả, không áp lực, không nên dồn toàn bộ nội dung vào 1 tháng trước khi thi, cách này thì rất hiệu quả đối với các bạn trẻ vì ôn nhanh, không mất nhiều thời gian, tuy nhiên đối với các bà mẹ thì học kiểu đấy sẽ khiến stress thêm và dồn nhiều kiến thức quá cùng lúc càng thấy khó hơn. Tuy nhiên việc ôn giàn ra sẽ làm bạn cũng dễ nản hơn, vì thời gian ôn bị kéo dài, thế nên hãy ôn với tâm thế thoải mái, đừng quá áp lực, cứ học dần dần thì thấy việc ôn thi cũng nhẹ nhàng.

4, Tài liệu thu thập và nguồn học:

Mình tham gia một số trang và group liên quan ôn thi sau:

+ Web ôn thi: https://test.gonnapass.com/

Tất cả những nội dung lý thuyết và bài tập khó hiểu hay mình không biết của các môn, mình đều nghiên cứu qua các video hướng dẫn của trang, nội dung và các giải thích làm mình hiểu bài nhanh hơn, có thể làm các bài tập sẵn có trên web, ngoài ra thì giai đoạn cuối trước khi thi, thì mình có làm mấy đề thi thử trên web và được chấm bài, trả đáp án.

+ Web tham khảo đáp án giải đề: https://tuonthi.com/

Thường làm xong đề thì mình hay tham khảo đáp án tại trang này, mình thấy trang giải đúng và dễ hiểu.

+ Group Tự ôn thi CPA: https://www.facebook.com/groups/211152202802275

Group này được chia sẻ rất nhiều tài liệu ôn thi, đề thi các năm, mình chủ yếu down tài liệu từ đây về để ôn tập là chính. Ngoài ra, nếu mọi người tự ôn mà có bạn bè đi ôn trên hội VACPA thì xin các bạn đó tài liệu từ các thầy cô cho để học các nội dung update luôn.

+ Group Ôn thi CPA Việt Nam: https://www.facebook.com/groups/1584606085126813

Group này thì chủ yếu mình vào để hóng tình hình, bao giờ có lịch thi, có điểm…. Group này có rất nhiều thông tin từ các lớp ôn offline hoặc tổng ôn cho từng môn, tuy nhiên mình đang bầu nên cũng không tham gia được lớp nào cả.

5, Cách học ôn đối với từng môn:

+ Môn thuế: Đây là một môn lợi thế với mình, vì bản thân vẫn đang làm tư vấn thuế hàng ngày, bên cạnh đó mình cũng vừa thi đỗ chứng chỉ Đại lý thuế năm 2018 nên gần như môn này mình dành ít thời gian học nhất. Mình chỉ làm lại 1 lượt toàn bộ số bài tập trong bộ bài tập của thầy Trường dạy trên Hội VACPA mà mình xin được từ cô bạn (bỏ qua bài tập thuế nhà thầu không thi thì không cần làm), làm thêm 3 đề thi gần nhất nữa là đi thi. Với phần bài tập thuế thì nếu nắm chắc được các bài tập trong bộ đề cương của thầy Trường là đủ đi thi rồi, không cần làm thêm nhiều nữa.Thật may mắn vì với cấu trúc đề thi CPA từ năm 2019, đã giảm lượng câu hỏi lý thuyết xuống chỉ còn 1 câu, thay vì 2 câu như ngày trước, nên việc mình đã sẵn kiến thức và làm bài tập là chủ yếu cũng đủ để thi đạt số điểm ok rồi. Lưu ý cách trình bày với môn thuế và các môn tính toán, bạn nên tách nhỏ các ý ra, không tình bày gộp để có thể lấy được điểm từ các ý nhỏ, tránh mất điểm toàn bộ khi làm gộp bị sai.

+ Môn kế toán: Đây là môn được đánh giá là khó nhất trong các môn, thậm chí người làm nghề lâu năm thì cũng ít người được điểm cao vì môn này hỏi những kiến thức rất chuyên sâu mà khi làm việc ít có cơ hội làm tới như kế toán hợp nhất báo cáo tài chính, kế toán đầu tư tài chính, cổ phiếu, trái phiếu, kế toán quản trị, lập báo cáo sản xuất… Từ đề thi mấy năm gần đây, môn kế toán không còn câu hỏi dạng lý thuyết đọc thuộc nữa, mà chủ yếu là lý thuyết hiểu cách định khoản để trình bày lên BCTC. Để đủ điểm số môn này, không thể bỏ qua bài tập kế toán quản trị tính giá thành cũng như bài tập hợp nhất được, vì các phần còn lại liên quan đến cách hiểu định khoản để lên chỉ tiêu trên BCTC hay hỏi chung và tổng quan thì khó có thể lấy trọn điểm được. Vì vậy môn này mình tập trung làm lại các bài tập tính giá thành, tập làm bài tập hợp nhất. Riêng phần hợp nhất này mà đọc theo lý thuyết của sách thì chắc là sẽ siêu khó hiểu, tuy nhiên phần hợp nhất này nếu học theo cách diễn giải nghiệp vụ ra từ việc định khoản, rồi triệt tiêu các chỉ tiêu bị trùng thì lại rất dễ học. Mình ví dụ như sau:

Giao dịch bán hàng giữa công ty mẹ cho công ty con, sở hữu 100% vốn, giá bán 10, thuế 1, giá vốn 7 Thông thường nếu định khoản riêng từng công ty, chúng ta sẽ ghi nhận:

Công ty mẹ: Ghi nhận doanh thu: Nợ TK 131: 11 / Có 511: 10, Có 3331: 1

Ghi nhận giá vốn: Nợ TK 632/ Có TK 156: 7

Công ty con: Ghi nhận hàng: Nợ TK 156: 10, Nợ TK 133: 1/ Có TK 331: 11

Nghiệp vụ trên xét nghĩa vụ trên cả tập đoàn, thì các khoản như doanh thu, giá vốn, các khoản phải thu, phải trả thực tế sẽ không phát sinh, các bên chỉ phát sinh nghĩa vụ thuế với nhà nước thôi. Vì vậy, chỉ giữ lại bút toán thuế, các bút toán còn lại đều phải triệt tiêu hết khi hợp nhất 2 báo cáo lại.

Do đó ta sẽ có bút toán triệt tiêu để hợp nhất sau:

Nợ TK 331/ có TK 131: 11

Nợ TK 511: 10/ Có TK 632: 7, Có 156: 3.

Khi đó ta ghi nhận các chỉ tiêu điều chỉnh để trình bày vào bài thi như sau:

  • Nợ chỉ tiêu Phải trả người bán/ Có chỉ tiêu phải thu khác hàng: 11
  • Nợ chỉ tiêu doanh thu bán hàng và CCDV: 10

Có chỉ tiêu Giá vốn hàng bán 7

Có chỉ tiêu hàng tồn kho 3

Và ngoài ra ghi nhận điều chỉnh các khoản liên quan thuế TNDN và lợi nhuận đã trích từ nghiệp vụ trên.

Mình học cách học này từ các video hướng dẫn của thầy Việt Anh trên web ôn thi Gonnapass.com nhé, mình thấy cách học này giúp hiểu bản chất, có thể xử lý được các bài khác nhau khi thay đổi đề bài, còn ngày xưa trong trường đại học tự học phần này do không hiểu bản chất nên toàn đọc vẹt rồi làm tương tự thôi.

+ Môn tài chính: Theo như đề thi hàng năm, môn này là môn dễ gỡ điểm, vì chỉ cần nhớ được công thức của các phần hay ra như IRR, NPV, Tỷ suất sinh lời, dòng tiền là cơ bản có thể lấy 6 điểm rồi. Tuy nhiên đề thi năm 2019 lại đi theo một hướng hoàn toàn khác, những cái cơ bản và hay ra của các năm trước lại không được đề cập đến, mà bị xoáy sâu hỏi vào những phần không bao giờ nghĩ có thể ra đến như phương pháp tính khấu hao theo tổng số năm, bài toán quản trị hàng tồn kho dự trữ… Môn này sau khi thi xong đã gây ra một trận tranh cãi khủng khiếp trên các group vì ức chế đề thi ra các phần kiến thức mà thực tế không bao giờ sử dụng. Nhưng đành chấp nhận vì nội dung đều có trong đề cương, chỉ là chúng ta nghĩ đề sẽ không vào thôi. Thế nên rút kinh nghiệm, những nội dung liên quan tính toán bài tập mọi người đều phải nhớ công thức hết, vì chỉ cần không biết 1 công thức làm thì coi như cả bài 2 điểm đều mất hết, như bài thi của mình thì do không nhớ pp khấu hao tổng số năm nên toàn bộ giá trị khấu hao tính đều sai, dẫn đến IRR và NPV bị mất điểm hết.

Với môn tài chính mà kiến thức có zero như mình, thì m thấy học ôn qua các video của Gonnapass rất hiệu quả. Vừa ghi công thức ra đề cương để học, vừa nghe giảng qua video để hiểu nội dung, ý nghĩa và cách áp dụng vào bài tập của công thức đó, mình thấy hiểu sâu và biết cách áp dụng nhanh hơn là việc chỉ đọc mỗi đề cương mà bộ cho.

Về phần bài tập: Mình tập trung ôn phần bài tập vào 3 chương chính sau: Rủi ro và tỷ suất sinh lời, Đầu tư dài hạn, Chi phí sử dụng vốn và đòn bẩy. Các chương còn lại thì ôn sau khi đã nắm chắc 3 chương lớn trên. Học lí thuyết đến đâu thì tập làm bài tập của chương đó đến đấy. Sau khi đã đọc hiểu được cách áp dụng các công thức của các chương quan trọng nhất thì mình bắt tay vào làm đề, thi thoảng đề ra sẽ có 1 vài bài hỏi đến công thức của các chương còn lại, thấy chưa làm được và chưa chắc chắn thì nghiên cứu luôn công thức để làm bài tập cho phần đó.

Về phần lý thuyết: Từ đề 2019, cấu trúc đề chỉ còn 1 câu lý thuyết nên việc học lý thuyết cũng nhẹ nhàng hơn. Và đề ra thường hỏi theo dạng ý hiểu của bản thân với các chỉ tiêu tài chính liên quan, vì vậy phần này thì mình chỉ học hiểu rồi viết theo ý mình có thôi, chứ không học thuộc nội dung.

+ Môn pháp luật: Đây là môn có kiến thức xa lạ nhất đối với mình và cũng khó vào đầu nhất nên mình chọn cách học viết thành đề cương, tuy nhiên không phải trình bày lại các nội dung theo đề cương của bộ cho, mà làm nội dung dạng so sánh, nội dung hiểu để áp dụng và dễ nhớ hơn. Bên cạnh đó thì video của Gonnapass do cô Loan dạy cũng giúp mình nhớ và hiểu nội dung phần này nhanh hơn, vì cô đã nói tóm gọn các phần cốt lõi nhất và tách các ý ra ở trong video rồi, nên mình thấy học qua đây hiệu quả hơn nhiều. Giai đoạn sinh em bé xong, chỉ tranh thủ ngồi học mỗi hôm được 0,5 – 1 tiếng, nên những thời gian chăm sóc em bé, thì mình cắm tai nghe vào nghe giảng lý thuyết của môn luật, cách này giúp mình nhớ được các nội dung quan trọng mà không cần đọc tài liệu nhiều. Môn này với đề năm 2019, thì hoàn toàn không có câu hỏi nào liên quan đến nhớ và chép lý thuyết, tất cả 5 câu đều phải vận dụng lý thuyết luật để giải quyết tình huống đưa ra. Vì vậy hãy học các ý chính để nắm được ý luật, rồi áp dụng vào tình huống đề bài ra đưa ra lý giải phù hợp là sẽ có điểm tốt. Với môn luật thì cách trình bày cũng rất quan trọng, trước khi nêu ra cách xử lý của bản thân về tính huống đó, bạn cần phải nêu được nội dung luật liên quan.

Trên đây là một số kinh nghiệm và chia sẻ của bản thân mình để có thể đỗ được chứng chỉ hành nghề kế toán, mong rằng bài viết này sẽ giúp nhiều mẹ trẻ có động lực để lên dây cót bắt đầu cho hành trình ôn thi năm nay, chúc mọi người luôn mạnh khỏe và thành công.

P/s: Xin chia sẻ 1 chút về điểm thi của mình để mọi người có động lực nhé ^^!

Tham gia ngay: Nhóm tự ôn thi CPA để chinh phục chứng chỉ hành nghề kế toán – kiểm toán ngay hôm nay!

Email Address

Mọi thông tin xin liên hệ:

Công ty TNHH Gonnapass

Tầng 6, toà nhà Việt á, số 9 Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Email: hotro@gonnapass.com

Facebook: https://www.facebook.com/gonnapass.com/

Website: https://gonnapass.com

Hotline: 0888 942 040

Mọi thông tin xin liên hệ:

Công ty TNHH Gonnapass

Tầng 6, toà nhà Việt á, số 9 Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Email: hotro@gonnapass.com

Facebook: https://www.facebook.com/gonnapasscom/

Website: https://gonnapass.com/

Hotline: 0888 942 040

avatar
admin

Nếu bạn thích bài viết, hãy thả tim và đăng ký nhận bản tin của chúng tôi

Ý kiến bình luận